Viêm khớp vảy nến được chẩn đoán bằng kỹ thuật y tế nào?

Bài viết có 272 lượt xem
viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến là bệnh lý thường gặp, gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bệnh. Chẩn đoán viêm khớp vảy nến để có phương pháp điều trị hợp lý trước khi bệnh tiến triển nặng là yếu tố rất quan trọng.

Mục lục bài viết

1. Viêm khớp vảy nến là bệnh gì?

Viêm khớp vảy nến là bệnh lý viêm khớp có liên quan đến bệnh vẩy nến. Khi mắc bệnh này, bất cứ khớp nào trên cơ thể đều có nguy cơ bị viêm, đặc biệt là chi dưới, cột sống, khớp ngón tay và chân.

Bệnh viêm khớp vảy nến là bệnh tự miễn, do đó một số loại thuốc, chấn thương da, nhiễm khuẩn, suy giảm hệ miễn dịch… là những yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh.

Nhóm tuổi mắc viêm khớp vảy nến nhất là từ 50-70 tuổi, tỷ lệ giữa nam và nữ tương đương nhau. Viêm khớp vảy nến sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến người bệnh, bao gồm:

  • Tác động đến hệ xương khớp;
  • Gây tổn thương sụn;
  • Tác động đến hệ miễn dịch;
  • Mắc một số bệnh về đường tiêu hóa;
  • Ảnh hưởng đến tim mạch;
  • Gây ra nhiều vấn đề tiêu cực về tinh thần, tâm lý của người bệnh.

Dựa theo triệu chứng lâm sàng cũng như tác động của bệnh, viêm khớp vảy nến được phân loại như sau:

  • Thể viêm ít khớp: Chiếm 80% người bệnh, khớp viêm thường là các khớp lớn;
  • Thể viêm khớp ngoại biên đối xứng: Chiếm 25% tổng số bệnh nhân;
  • Thể viêm khớp trục ở cột sống và khớp cùng chậu: Chiếm 10% tổng số bệnh nhân;
  • Thể viêm các khớp liên đốt xa: Chiếm 10% tổng số bệnh nhân;
  • Thể viêm khớp ngoại biên biến dạng nặng: Chiếm 5% tổng số bệnh nhân.

2. Dấu hiệu của bệnh viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến diễn tiến theo từng đợt khác nhau, do đó dấu hiệu nhận biết bệnh sẽ không giống nhau. Một số dấu hiệu, triệu chứng của bệnh thường xuất hiện như:

  • Viêm gân bám, viêm gân gót, ngón tay hoặc chân khúc dồi.
  • Cứng khớp, từ đó gây nhiều khó khăn cho người bệnh trong hoạt động sống hàng ngày, đặc biệt là vào buổi sáng.
  • Khi bệnh viêm khớp vảy nến ảnh hưởng đến vùng xương sống hoặc xương chậu sẽ gây ra khó khăn cho người bệnh trong việc di chuyển, hoạt động.
  • Các ngón tay, chân thô cứng, đổi màu, bong và có vết lõm; người bệnh bị viêm kết mạc mắtviêm màng bồ đào hoặc bệnh van tim….
viêm khớp vảy nến
Khi bị bệnh viêm khớp vảy nến, bất cứ khớp nào trên cơ thể đều có nguy cơ bị viêm

3. Chẩn đoán viêm khớp vảy nến như thế nào?

Để chẩn đoán viêm khớp vảy nến, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng để phân biệt với các bệnh lý khác. Tuy nhiên, để xác định chẩn đoán cũng như đánh giá mức độ tiến triển, tổn thương đến giai đoạn nào và tìm ra pháp đồ điều trị thích hợp thì bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện xét nghiệm anti -CCP để loại trừ các bệnh khác về khớp. Sau đó, yêu cầu người bệnh thực hiện các phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh như:

  • Chụp X quang: Đây là phương pháp truyền thống để chẩn đoán viêm khớp vảy nến với ưu điểm giá cả phải chăng. Chụp X quang đạt hiệu quả cao nhất khi bệnh đã tiến triển và xương đã bị tổn thương. Thời gian đầu của bệnh, xương khớp không bị ảnh hưởng nhiều nên chụp X quang không mang lại nhiều kết quả khả quan. Do đó, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các phương pháp khác để xác nhận chẩn đoán.
  • Chụp MRI: Đây là phương pháp mang lại cho bác sĩ nhiều thông tin hình ảnh về bệnh hơn so với phương pháp chụp X quang. Với kỹ thuật này, bác sĩ có thể kiểm tra cả xương, mô mềm, gân và dây chằng.
  • Siêu âm: Kỹ thuật siêu âm có thể giúp chẩn đoán bệnh vẩy nến trước khi các triệu chứng viêm xuất hiện rõ ràng. Bác sĩ sẽ phát hiện những thay đổi trong xương và mô của người bệnh trong quá trình siêu âm.

4. Cách điều trị viêm khớp vảy nến

Hiện nay, bệnh viêm khớp vẩy nến vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để, bác sĩ chỉ có thể giúp bệnh nhân thuyên giảm các triệu chứng cũng như hạn chế tối đa sự phát triển của bệnh bằng các phương pháp sau:

  • Sử dụng thuốc chống viêm không chứa steroid hoặc NSAIDS;
  • Tiêm steroid giảm viêm;
  • Phẫu thuật thay các khớp bị tổn thương.
  • Trong suốt quá trình điều trị, người bệnh cần được tiến hành xét nghiệm định kỳ, xét nghiệm đột xuất cũng như thay đổi chế độ sinh hoạt để giảm thiểu tình trạng tổn thương các khớp, tuân thủ theo chế độ ăn uống chống viêm mà bác sĩ đưa ra và thường xuyên tập thể dục, chơi thể thao nhẹ nhàng.

Tóm lại, viêm khớp vảy nến không phải là căn bệnh hiếm thấy, tuy nhiên người bệnh thường chủ quan và bỏ qua việc thăm khám, từ đó gây khó khăn cho việc điều trị. Để giảm thiểu những ảnh hưởng mà bệnh viêm khớp vảy nến gây ra, người bệnh cần đến bệnh viện uy tín để tiến hành thăm khám và điều trị ngay khi có dấu hiệu khởi phát.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

hotlineHotline
chat facebookChat Facebook
chat facebookChat Facebook
chat zaloChat Zalo