Nhiều người bị bệnh xương khớp sau khi khỏi Covid-19

Bài viết có 189 lượt xem

Khoảng 20-30% trường hợp khỏi Covid-19 gặp các vấn đề xương khớp như đau nhức kéo dài, đau cơ, sưng khớp, cứng khớp… theo bác sĩ Hồng Hoa.

Sau một tháng điều trị Covid-19, anh Lê Bình (43 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) có cảm giác đau nhức và yếu xương khớp hơn so với trước. “Chỉ cần ngồi lâu một chút, tôi lại thấy đau lưng; khi leo cầu thang, bước đến tầng thứ 2 là đầu gối nhức mỏi, đuối sức, không bước tiếp được. Tay chân của tôi thỉnh thoảng bị tê bì như có kim châm, giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng vì các cơn đau âm ỉ…”, anh Bình chia sẻ.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Đặng Hồng Hoa (Trưởng khoa Nội Cơ xương khớp – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội), đau nhức xương khớp là một trong các triệu chứng mà người bệnh có thể gặp phải sau 2-14 ngày mắc Covid-19 với tỷ lệ khoảng 15%. Tuy nhiên, sau khi đã âm tính với virus vài tuần hoặc vài tháng, có nhiều bệnh nhân than phiền về các triệu chứng yếu hoặc đau ở xương, sưng khớp, cứng khớp, tê nhức chân tay…. Đây là hội chứng Covid kéo dài hay hội chứng hậu Covid-19.

Đau khớp là một trong những triệu chứng khi nhiễm Covid-19, có thể kéo dài sau khi đã khỏi bệnh. Ảnh: Shutterstock

Đau khớp là một trong những triệu chứng khi nhiễm Covid-19, có thể kéo dài sau khi đã khỏi bệnh. Ảnh: Shutterstock

Các báo cáo nghiên cứu được đăng trên Nature Medicine Journal (Anh), ERJ Open Research (Anh) cho thấy, có ít nhất 20-30% người bệnh khỏi Covid-19 gặp triệu chứng đau nhức xương khớp. Một số bệnh nhân sau khi điều trị khỏi Covid-19 đối mặt với biến chứng hoại tử vô mạch xương đùi. Đây là căn bệnh hiếm gặp, xảy ra do nguồn cung cấp máu đến xương bị cắt đứt, khiến các mô xương chết dần. Hoại tử xương sẽ làm tổn thương khớp, khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong cử động và ở giai đoạn nặng, có thể phải cần phẫu thuật để phục hồi.

PGS Đặng Hồng Hoa cho biết thêm, đau khớp, viêm khớp và các vấn đề xương khớp khác ở bệnh nhân từng mắc Covid-19 có thể do nhiều nguyên nhân gây nên. Trước hết, SARS-CoV-2 có thể khiến hệ miễn dịch bị rối loạn, phản ứng quá mức và tự tấn công chính các cơ quan khỏe mạnh của cơ thể, trong đó có các khớp xương như khớp gối, khớp vai, mắt cá chân, cổ tay, hông… Tình trạng này gọi là viêm khớp tự miễn, có thể xảy ra ngay cả khi bệnh nhân đã hồi phục Covid-19.

Tiếp đó, các tác dụng không mong muốn của thuốc Corticosteroid dùng trong điều trị Covid-19 cũng có thể gây ảnh hưởng xương khớp như loãng xương, teo cơ… Một số bệnh nhân tự ý dùng thuốc kháng viêm chứa Corticosteroid, không tuân thủ chỉ định, dùng quá liều lượng có thể dẫn đến hoại tử nhiều phần khác nhau của xương và khiến các khớp bị tổn thương khó phục hồi.

Sử dụng thuốc kháng viêm chứa Corticosteroid điều trị Covid -19 có thể gây đau khớp và hoại tử xương. Ảnh: Shutterstock

Sử dụng thuốc kháng viêm chứa Corticosteroid điều trị Covid -19 có thể gây đau khớp và hoại tử xương. Ảnh: Shutterstock

Giảm tần suất vận động trong thời gian điều trị Covid-19, tình trạng chán ăn trong thời kỳ mắc bệnh khiến dinh dưỡng cho cơ thể không đầy đủ… cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh khớp sau khi đã âm tính với SARS-CoV-2.

Cải thiện vấn đề xương khớp hậu Covid-19

Theo PGS Hồng Hoa, để hạn chế những di chứng do Covid-19 gây ra, người bệnh dù đã hồi phục cần thực hiện các biện pháp chăm sóc để bảo vệ sức khỏe toàn thân nói chung và sức khỏe xương khớp nói riêng.

Trước hết, người bệnh nên lập kế hoạch tập thể dục mỗi ngày (với cường độ từ nhẹ đến nặng) để tăng cường sức mạnh cơ xương khớp. Bắt đầu là các bài tập giãn cơ nhẹ nhàng như kéo căng tay chân, rướn người, đi bộ, yoga… dần nâng lên các bộ môn cường độ cao hơn như đạp xe, bơi, nâng tạ… Cố gắng trở lại các thói quen sinh hoạt hằng ngày như nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Lưu ý không nên tập luyện hoặc làm việc quá sức, cần giữ cân bằng giữa thời gian tập luyện và nghỉ ngơi.

Bạn có thể dùng chai nước 500 ml thay cho tạ để luyện tập tăng sức mạnh cho đôi tay. Ảnh: Shutterstock

Bạn có thể dùng chai nước 500 ml thay cho tạ để luyện tập tăng sức mạnh cho đôi tay. Ảnh: Shutterstock

Tránh duy trì một tư thế quá lâu, ví dụ ngồi nhiều giờ ở bàn làm việc, nằm hoặc ngồi lướt điện thoại, xem phim… Sau khoảng 30-60 phút, người bệnh cần được giải lao và vận động thay đổi tư thế của cơ thể để tăng cường hoạt động và dinh dưỡng cho hệ vận động. Kiểm tra cân nặng thường xuyên để kiểm soát tốt trọng lượng cơ thể. Bởi việc tăng cân quá nhiều sẽ tạo thêm áp lực lên khớp, khiến khớp nhanh đau và mỏi hơn.

Về chế độ dinh dưỡng, người bệnh cần bổ sung đầy đủ carbs (carbohydrate), protein, chất xơ, vitamin C, D, K, E và các chất dinh dưỡng quan trọng khác như omega -3, beta carotene… vào chế độ ăn thường ngày. Lưu ý uống đủ nước (2-2,5 lít mỗi ngày), đặc biệt trong thời kỳ chuyển mùa, thời tiết hanh khô vì cơ thể lúc này dễ bị mất nước. Tránh lạm dụng rượu bia, cai thuốc lá vì chúng có thể kích thích viêm khớp và tăng nguy cơ loãng xương.

Người bệnh cũng có thể bổ sung các tinh chất thiên nhiên có khả năng điều hòa miễn dịch, ức chế cytokine gây viêm để bảo vệ màng hoạt dịch và sụn khớp, giúp khớp chắc khỏe hơn. Hiện nay, Eggshell Membrane, Collagen Type 2, Collagen Peptide, Turmeric Root, Chondroitin Sulfate… là những tinh chất đã được khoa học nghiên cứu, có thể hỗ trợ giảm đau và tăng cường sức khỏe xương khớp cho người bệnh.

Trường hợp bệnh nhân có các bệnh lý nền đi kèm hoặc có tiền sử viêm khớp, thoái hóa khớp trước đó cần tiếp tục phác đồ điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Thận trọng khi sử dụng các loại thuốc chứa Glucocorticosteroid để giảm viêm vì chúng có thể gây hoại tử xương, phá vỡ cấu trúc khớp.

Nếu xương khớp đau nhức dữ dội, tê nhiều, yếu tay chân không thể thực hiện được các công việc bình thường, người bệnh cần đến chuyên khoa xương khớp để được thăm khám và tư vấn cách khắc phục phù hợp. Duy trì tinh thần thoải mái, tránh stress, bởi vì stress không chỉ khiến khớp đau nhức nhiều hơn mà còn làm suy giảm thể chất và tinh thần của người bệnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

hotlineHotline
chat facebookChat Facebook
chat facebookChat Facebook
chat zaloChat Zalo