Nguyên nhân tràn dịch khớp gối trẻ em

Bài viết có 215 lượt xem
Nguyên nhân tràn dịch khớp gối trẻ em

Tràn dịch khớp gối ở trẻ em xảy ra do nhiều nguyên nhân như viêm khớp, chấn thương, u khớp, thừa cân béo phì… Bệnh lý gây ra triệu chứng sưng đỏ khớp gối, đau nhức kèm tê bì gối và giảm khả năng vận động ở trẻ em.

Mục lục bài viết

1. Khái niệm tràn dịch khớp gối ở trẻ em

Tràn dịch khớp gối trẻ em là bệnh lý xảy ra do tăng tiết lượng dịch khớp bất thường ở đầu gối. Bệnh lý này thường có xu hướng xảy ra ở một bên đầu gối và không thể tự thuyên giảm, lượng dịch tiết ra tăng cao làm sưng đỏ khớp gối, kèm theo đó là các cơn đau nhức nghiêm trọng và hạn chế khả năng vận động của người bệnh.

Khớp gối là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển động và nâng đỡ phần trên của cơ thể. Trong đó sự hoạt động linh hoạt của khớp gối là nhờ vào dịch nhờn được tiết ra giúp làm giảm ma sát giữa các khớp gối. Lượng dịch khớp tiết ra quá ít có thể dẫn đến khô khớp gối và thoái hóa, ngược lại lượng dịch khớp tiết ra quá nhiều dẫn đến tràn dịch khớp gối, gây viêm nhiễm và các cơn đau đầu gối ở trẻ.

2. Nguyên nhân

Tràn dịch khớp gối trẻ em xảy ra do nhiều nguyên nhân, vì vậy các bậc cha mẹ cần nắm bắt được nguyên nhân và thời điểm trẻ mắc bệnh để có biện pháp chẩn đoán và điều trị nhanh chóng, hiệu quả nhất. Theo đó, tràn dịch khớp gối có thể bị gây bởi các nguyên nhân sau:

2.1. Các chấn thương vùng đầu gối

Trẻ em đang ở giai đoạn phát triển hiếu động về thể chất, đặc biệt là ở các bé trai thường có xu hướng tham gia nhiều các hoạt động như đá bóng… nên có nguy cơ tổn thương đầu gối cao hơn. Bởi hệ thống xương khớp ở trẻ em còn rất yếu và chưa thật sự hoàn chỉnh nên đôi khi chỉ một tác động nhỏ cũng có thể dẫn đến những tổn thương thầm lặng. Trường hợp xảy ra chấn thương tại đầu gối, lượng dịch khớp bị tăng tiết bất thường. Điều này làm cho khớp bị đau nhức, sưng to và hạn chế vận động. Một số chấn thương có thể dẫn đến tràn dịch khớp ở trẻ em như sau:

  • Gãy xương
  • Đứt hoặc viêm dây chằng
  • Trật khớp

2.2. Bệnh lý viêm nhiễm

Một trong những nguyên nhân phổ biến gây tràn dịch khớp gối trẻ em là viêm nhiễm khớp gối. Theo đó, hệ miễn dịch ở trẻ và hệ xương khớp đầu gối chưa được phát triển hoàn thiện làm cho các yếu tố gây bệnh bên ngoài như virus, nấm, vi khuẩn dễ tấn công vào ổ khớp và gây ra viêm nhiễm, tràn dịch khớp.

Ngoài ra, một số bệnh lý viêm nhiễm làm vi khuẩn xâm nhập theo đường máu và đến các cơ quan khác trong cơ thể, trong đó có khớp gối và làm tăng nguy cơ tràn dịch khớp gối.

Trẻ bị đau đầu gối có thể do các chấn thương vùng đầu gối
Trẻ bị đau đầu gối có thể do các chấn thương vùng đầu gối gây ra

2.3. Thừa cân béo phì

Cân nặng càng lớn thì áp lực lên hệ xương khớp của cơ thể càng nhiều, trong đó có cả các khớp gối của cơ thể. Vì vậy thừa cân béo phì làm tăng áp lực lên khớp gối, tình trạng này nếu kéo dài lâu ngày sẽ dẫn đến suy yếu khớp gối, dễ chấn thương và làm tăng nguy cơ tràn dịch khớp gối trẻ em.

2.4. Bệnh lý về xương khớp

Một số bệnh lý về xương khớp có thể dẫn đến biến chứng là tràn dịch khớp gối ở trẻ em như sau:

  • Viêm khớp do nhiễm khuẩn
  • Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
  • Viêm bao hoạt dịch
  • U khớp

3. Triệu chứng

Trẻ em bị tràn dịch khớp gối thường có những triệu chứng như sau:

  • Trẻ bị đau đầu gối.
  • Đầu gối sưng to và vùng da xung quanh có biểu hiện nóng đỏ
  • Thường có triệu chứng tê mỏi chân
  • Đau nhức khớp nhiều và cơn đau có xu hướng tăng lên ở nhiệt độ thấp
  • Đau tăng lên khi hoạt động và giảm đi khi nghỉ ngơi.
  • Trẻ thường bị đau và khó khăn khi duỗi hoặc gập khớp
  • Cơn đau ở đầu gối làm trẻ bị hạn chế khả năng vận động, thay đổi dáng đi hoặc đi chậm hơn bình thường.
  • Trong trường hợp tràn dịch khớp gối do nhiễm khuẩn, trẻ có thể bị sốt cao về đêm.
  • Xuất hiện vết bầm tím ở mặt trước, phía sau và hai bên gối.

4. Chẩn đoán

Chẩn đoán tràn dịch khớp gối trẻ em dựa vào triệu chứng lâm sàng và kết quả các xét nghiệm cận lâm sàng của người bệnh.

4.1. Chẩn đoán lâm sàng

Bác sĩ thực hiện chẩn đoán lâm sàng dựa vào triệu chứng, mức độ tổn thương của người bệnh trên nguyên tắc sau:

  • Kiểm tra và đánh giá triệu chứng sưng nóng ở khớp gối
  • Kiểm tra và đánh giá cơn đau đầu gối ở trẻ và mức độ đau nghiêm trọng của cơn đau
  • Tình trạng cứng khớp và tê bì (nếu có)
  • Đánh giá dáng đi, phạm vi vận động và khả năng hoạt động của người bệnh
  • Tiền sử về bệnh lý của bản thân

4.2. Chẩn đoán cận lâm sàng

Dựa vào triệu chứng lâm sàng bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như sau:

  • Chụp X – quang: Kỹ thuật này cho phép bác sĩ kiểm tra các bất thường và mức độ tổn thương của các khớp gối. Từ đó giúp bác sĩ phân biệt tràn dịch khớp gối với các bệnh lý khác như gãy xương, u xương…
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Kỹ thuật được chỉ định nhằm mục đích kiểm tra ổ khớp, xương và các mô mềm quanh vị trí tổn thương. Kết quả chụp MRI cung cấp hình ảnh rõ nét và chi tiết hơn chụp X – quang, thông qua đó giúp bác sĩ phát hiện sớm bệnh lý, chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh và xây dựng phác đồ điều trị thích hợp.
  • Chụp cắt lớp vi tính CT: Kỹ thuật này được chỉ định trong trường hợp chụp X – quang hoặc MRI không đem lại hiệu quả chẩn đoán cao hoặc tràn dịch khớp gối là biến chứng của các bệnh lý nghiêm trọng khác.
  • Siêu âm khớp: Kỹ thuật này giúp bác sĩ xác định các bất thường trong khớp gối, đặc biệt là tình trạng tăng tiết dịch khớp một cách bất thường.
  • Phân tích dịch khớp: Kỹ thuật này được thực hiện theo nguyên tắc chọc hút dịch khớp và đem phân tích, chẩn đoán xác định.
  • Xét nghiệm máu: Được chỉ định trong trường hợp bác sĩ có nghi ngờ tràn dịch khớp gối liên quan đến tình trạng nhiễm khuẩn hoặc viêm khớp dạng thấp. Đây cũng là kỹ thuật giúp bác sĩ kiểm tra các yếu tố dạng thấp và tìm kiếm các tác nhân gây bệnh có mặt trong máu.

4.3. Chẩn đoán phân biệt

Tràn dịch khớp gối trẻ em được chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý như viêm khớp gối, gãy xương, u xương, viêm khớp dạng thấp, chấn thương thông thường…

tràn dịch khớp gối trẻ em
Tràn dịch khớp gối trẻ em cần được thăm khám kĩ lương bởi bác sĩ chuyên khoa

5. Điều trị

Tràn dịch khớp gối trẻ em nếu không được điều trị đúng cách hoặc chậm trễ trong việc điều trị thì bên cạnh các cơn đau đầu gối ở trẻ còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tổn thương khớp vĩnh viễn, teo cơ, yếu cơ, bại liệt và tăng nguy cơ thoái hóa khớp sớm… Vì vậy, khi trẻ có các triệu chứng của bệnh lý các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Các phương pháp điều trị tràn dịch khớp gối ở trẻ em như sau:

5.1. Điều trị bằng thuốc

Mục đích trong sử dụng thuốc điều trị tràn dịch khớp gối ở trẻ em là nhằm giảm triệu chứng và kiểm soát tình trạng tràn dịch khớp gối. Tùy thuộc vào triệu chứng của người bệnh, nguyên nhân gây bệnh và các tổn thương liên quan mà bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc sau:

  • Paracetamol: Thuốc có công dụng hạ sốt, giảm đau nên được bác sĩ chỉ định trong trường hợp trẻ bị tràn dịch khớp gối dẫn đến sốt do nhiễm trùng và các cơn đau nhẹ.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Nhóm thuốc có công dụng giảm đau, chống viêm ở mức độ trung bình và giúp làm giảm tình trạng sưng đỏ khớp. Thuốc được bác sĩ chỉ định trong những trường hợp người bệnh tràn dịch khớp gối với các cơn đau từ trung bình đến nặng, tràn dịch khớp gối do viêm khớp, người bệnh không đáp ứng hoặc dị ứng với paracetamol.
  • – Thuốc kháng sinh: Được chỉ định ở những người bệnh tràn dịch khớp gối do nhiễm trùng. Việc sử dụng kháng sinh điều trị ở trẻ nhỏ cần được tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ, bởi đây là nhóm thuốc có thể gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Corticosteroid: Nhóm thuốc chống viêm được chỉ định bằng đường uống hoặc đường tiêm ở những người bệnh tràn dịch khớp gối không đáp ứng với tất cả các loại thuốc giảm đau, chống viêm khác. Tuy nhiên việc sử dụng corticosteroid ở trẻ em cần thận trọng nhằm hạn chế các tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Thuốc chống thấp khớp: Nhóm thuốc có công dụng là giảm quá trình phá hủy sụn khớp và được chỉ định với mục đích hạn chế các tổn thương khớp và mô mềm xung quanh.

Điều trị bằng thuốc giúp trẻ cải thiện được triệu chứng, giảm tổn thương và tràn dịch khớp gối. Tuy nhiên loại thuốc nào khi sử dụng đều có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, thuốc được sử dụng điều trị ở người bệnh cần được chỉ định và kê đơn bởi bác sĩ điều trị.

5.2. Điều trị giảm đau tại nhà

Một số biện pháp sử dụng tại nhà sẽ hữu ích trong việc giảm cơn đau ở người bệnh như sau:

  • Chườm ấm: Giúp giảm sưng, giảm viêm và xoa dịu cảm giác đau nhức do tràn dịch khớp. Bên cạnh đó chườm ấm còn giúp thư giãn ở khớp, mô mềm, tăng lưu lượng máu và cải thiện chức năng hoạt động của người bệnh. Phương pháp được thực hiện bằng cách sử dụng túi chườm chứa nước ấm hoặc khăn ấm để chườm lên khớp gối, thực hiện từ 3 – 4 lần mỗi ngày và mỗi lần thực hiện khoảng 20 phút sẽ có tác dụng tăng khả năng kiểm soát cơn đau.
  • Chườm lạnh: Giúp giảm đau, gây tê tại vị trí tổn thương và cải thiện tình trạng sưng đỏ khớp. Phương pháp được thực hiện bằng cách sử dụng khăn bông mềm có chứa đá lạnh bên trong và áp lên khu vực bị sưng đau, thực hiện từ 2 – 3 lần mỗi ngày và mỗi lần thực hiện khoảng 15 phút để giúp cải thiện tình trạng.
  • Xoa bóp: Giúp kích thích lưu thông tuần hoàn máu, đả thông kinh mạch, thư giãn khớp, mạch máu và các cơ xung quanh. Thông qua đó giúp tăng khả năng hoạt động, cải thiện triệu chứng đau nhức khớp. Phương pháp nên được thực hiện từ 1 – 2 lần mỗi ngày và mỗi lần thực hiện khoảng 10 phút.
  • Nghỉ ngơi và tắm với nước ấm: Chế độ nghỉ ngơi hợp lý giúp giảm áp lực lên khớp gối, thư giãn xương khớp, mô mềm và giảm các cơn đau hiệu quả. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ nên tránh tình trạng để trẻ nằm yên không hoạt động trong khoảng thời gian dài từ 24 – 48 giờ vì sẽ làm tăng tình trạng cứng khớp và làm khởi phát cơn đau. Bên cạnh đó, chế độ tắm với nước ấm sẽ giúp người bệnh thư giãn xương khớp, thư giãn tinh thần, giảm đau và hạn chế cứng khớp, tăng lưu thông máu.
  • Duy trì thói quen ăn uống và vận động lành mạnh: Các bậc cha mẹ cần hướng dẫn trẻ thực hiện thói quen ăn uống, hoạt động lành mạnh sẽ giúp bổ sung đủ dinh dưỡng cho quá trình phát triển hệ xương khớp của trẻ, hoạt động nhẹ nhàng giúp kích thích lưu thông máu, giảm đau và hạn chế sưng khớp, cứng khớp tiến triển.

5.3. Điều trị ngoại khoa

Phương pháp điều trị ngoại khoa được chỉ định ở người bệnh tràn dịch khớp gối có đặc điểm sau:

  • Người bệnh tràn dịch khớp gối sưng to trong thời gian dài, dịch khớp tích tụ.
  • Người bệnh đã được điều trị bảo tồn nhưng thất bại
  • Khớp bị tổn thương nghiêm trọng khiến khả năng hoạt động của người bệnh bị hạn chế.
  • Người bệnh có nguy cơ cao bị teo cơ và bại liệt.

Tùy thuộc vào triệu chứng và mức độ tổn thương của người bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị sau:

  • Chọc hút dịch khớp: Phương pháp được thực hiện theo nguyên tắc chọc và hút toàn bộ dịch dư thừa ở trong và xung quanh ổ khớp.
  • Nội soi khớp: Phương pháp được thực hiện dựa trên nguyên tắc loại bỏ dịch khớp dư thừa, điều trị tổn thương ổ khớp.
  • Phẫu thuật thay thế khớp gối: Phương pháp ít khi được chỉ định ở trẻ em. Tuy nhiên trong trường hợp tổn thương khớp nặng, điều trị bảo tồn thất bại hoặc có nguy cơ bại liệt, bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật thay thế khớp gối một phần hoặc toàn bộ khớp gối tổn thương.
đau đầu gối ở trẻ
Chườm ấm có thể khắc phục tình trạng đau đầu gối ở trẻ

6. Biện pháp phòng ngừa

Các bậc cha mẹ có thể hạn chế nguy cơ tràn dịch khớp gối ở trẻ bằng các biện pháp phòng ngừa như sau:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo cung cấp đầy đủ các vitamin, khoáng chất cho trẻ.
  • Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động và chơi các môn thể thao thích hợp, hạn chế vận động mạnh và chơi những môn thể thao cường độ cao.
  • Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học như ngủ đủ giấc, không vui chơi, vận động quá mức…
  • Theo dõi và duy trì mức cân nặng hợp lý cho trẻ.
  • Khám sức sức khỏe tổng quát định kỳ.
  • Trong trường hợp trẻ bị chấn thương không rõ nguyên nhân, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

hotlineHotline
chat facebookChat Facebook
chat facebookChat Facebook
chat zaloChat Zalo