Các ca F0 không triệu chứng tại TP HCM sẽ được cách ly tập trung ở các quận huyện, trường hợp mới phát hiện, có nồng độ virus thấp được cách ly tại nhà.
Quy định về thời gian cách ly, điều trị các trường hợp F0 không triệu chứng được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong gửi các quận, huyện ngày 21/7 nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn.
Theo đó, F0 không có triệu chứng lâm sàng sẽ cách ly 7 ngày nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 7 là âm tính hoặc dương tính với tải lượng virus thấp (giá trị CT >=30). Trường hợp dương tính có CT<30 sẽ xét nghiệm nhanh kháng nguyên mỗi 2 ngày, khi kết quả này âm tính cho phép người bệnh tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.
Với F0 mới phát hiện, không có triệu chứng lâm sàng, ngành y tế xem xét cách ly tại nhà nếu kết quả xét nghiệm PCR có giá trị CT>=30 và hội đủ điều kiện theo quy định của ngành y tế.
TP HCM đã ghi nhận hơn 41.300 ca nhiễm trong đợt dịch thứ 4; 10.553 người đang cách ly tập trung, 37.408 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng nếu công tác điều trị đảm bảo như hiện nay, thời gian tới mỗi ngày khoảng 1.000 bệnh nhân được xuất viện.
Hôm qua, cơ quan chức năng thành phố cho biết dịch đã xâm nhập cơ sở cai nghiện Bố Lá ở Bình Dương khi 506 ca dương tính được phát hiện qua lấy mẫu tầm soát gần 690 người tại đây. Đây là cơ sở cai nghiện do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM quản lý, chức năng tiếp nhận, quản lý người cai nghiện có tiền án, vi phạm kỷ luật từ các cơ sở cai nghiện của thành phố chuyển về.
Ba ngày qua, Hà Nội đã ghi nhận thêm 128 ca nhiễm và nghi nhiễm với nhiều chùm lây. Hiện Thủ đô trải qua ngày thứ ba thực hiện Công điện 15, nâng cấp độ phòng chống dịch.
Từ 0h ngày 22/7, Hà Nội sẽ cách ly tập trung người về từ các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Chính quyền TP Hà Nội cũng yêu cầu cơ quan chức năng lên kế hoạch triển khai phương án tổ chức các cơ sở cách ly đáp ứng cho 30.000-50.000 người, ưu tiên tổ chức tại các khu vực ngoại thành.
Hà Nội cũng chuẩn bị triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử với hơn 1.200 đội với hơn 820 điểm tiêm chủng tại 579 xã, phường, thị trấn, kế hoạch tiêm 200.000 mũi/ngày.
Đồng Nai hôm qua quyết định kéo dài thêm 9 ngày thay vì kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày. Hiện tỉnh này đã ghi nhận 1.566 ca trong đợt dịch thứ tư.
Cùng với TP HCM và Bình Dương, Đồng Nai thực hiện Chỉ thị 16 trước khi Thủ tướng yêu cầu 19 tỉnh, thành phía Nam áp dụng chỉ thị này từ ngày 19/7. Tuy nhiên, sau 12 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 (từ ngày 9/7), UBND Đồng Nai đánh giá việc thực hiện của nhiều địa phương vẫn chưa tốt.
Sau khi phát hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng chưa rõ nguồn và có nguy cơ hình thành các chuỗi lây mới, TP Đà Nẵng kêu gọi người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, cấm hoạt động của shipper, grab, đạp xe… từ 12h ngày 22/7.
TP Đà Nẵng cũng yêu cầu dừng dịch vụ kinh doanh không thiết yếu, chỉ cho buôn bán lương thực, thực phẩm, khám chữa bệnh, cấp cứu; không được tổ chức tiệc tùng trong nhà; tổ chức tang lễ trong 48 tiếng và không quá 20 người; dừng hoạt động taxi, xe 9 chỗ và grab car.
Bộ Y tế chiều 21/7 công bố 36 bệnh nhân Covid-19 tử vong từ ngày 17-20/7, tại TP HCM, Đồng Tháp và Long An. Như vậy, tổng số ca tử vong trong đợt dịch thứ 4 lên 335, kể từ đầu năm 2020 đến nay là 370.