Cấu tạo hệ thống gan mật và những yếu tố gây bệnh về gan mật

Bài viết có 497 lượt xem

Trong hệ tiêu hóa có thể nói gan – mật là cơ quan nặng gánh nhất. Mỗi ngày gan phải hoạt động hết công suất suốt 24h, với nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là tổng hợp và chuyển hóa các chất để cung cấp cho cơ thể một nguồn năng lượng liên tục, đồng thời là trung tâm xử lí và thanh lọc các độc tố trong cơ thể. 

Chức năng của gan và mật

Hệ thống gan mật đóng vai trò quan trọng trong bộ máy tiêu hóa

Trong cơ thể, gan là cơ quan lớn thứ hai (sau da). Gan chiếm khoảng 1/5 thể tích tổng thể của các cơ quan nội tạng trong khoang bụng và cứ 2 phút thì toàn bộ máu trong cơ thể lại di chuyển qua gan một lần. Gan đảm nhiệm các chức năng chính là chuyển hóa (glucid, lipid, protid), dự trữ (máu, glucid, sắt, vitamin B12), chống độc và tạo mật.

Mật được sản xuất trong gan, mỗi ngày gan sản xuất khoảng 1 lít dịch mật. Các muối khoáng trong mật (như muối Bicacbonat) có vai trò trung hoà thức ăn có tính axit. Muối mật là Natri glycocholate, Natri taurocholate có vai trò phân huỷ các chất béo, thúc đẩy cho hoạt động của các men lipaza (phân huỷ lipid). Chúng giúp cho các chất béo đã được tiêu hoá có thể đi qua được thành ruột và giúp vận chuyển các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E và K. Muối mật không bị mất đi sau khi sử dụng. Khoảng 80-90% muối mật sẽ theo máu chuyển lại về gan và kích thích gan sản sinh thêm mật.

Các mối nguy hại cho sức khỏe của gan mật

Trong cuộc sống công nghiệp, con người luôn phải đối mặt với môi trường ô nhiễm, thực phẩm chứa độc chất, nhiễm hóa chất độc hại, kết hợp với những thói quen sống không lành mạnh (ăn uống, tập luyện không điều độ, sử dụng chất kích thích, rượu bia…), tất cả những yếu tố đó vô tình bắt gan phải làm việc nhiều hơn mỗi ngày và trở nên quá tải, dẫn tới việc tích tụ nhiều độc tố hơn và đứng trước nguy cơ thường trực với các loại bệnh như viêm gan (do sỏi hay vi rút), áp-xe gan, ung thư và các bệnh liên quan đến đường mật như: sỏi mật, viêm túi mật, nhiễm trùng đường mật….

Chế độ ăn uống không phù hợp, giàu chất béo, làm nồng độ Cholesterol trong máu tăng cao, gây tích tụ mỡ tại gan, dẫn đến các bệnh lí trên hệ thống gan mật như gan nhiễm mỡ, sỏi mật… Việc hình thành sỏi trên đường mật hay tại túi mật đều rất nguy hiểm vì làm lưu lượng mật bị hạn chế, từng bước làm tắc nghẽn, gây viêm và nhiễm trùng đường mật.

Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đáng báo động hiện nay cũng là yếu tố liên quan trực tiếp đến việc nhiễm virut viêm gan và các loại ký sinh trùng đường ruột. Chúng sẽ theo hệ tiêu hóa xâm nhập vào máu và “tập kết” tại gan gây ra các bệnh lí nguy hiểm như bệnh sán lá gan hay trùng Amip. Nhiều trường hợp, giun chui vào đường mật làm tắc nghẽn ống mật, gây sỏi đường mật và gây nên các cơn đau quặn gan.

Các bệnh liên quan trực tiếp đến viêm gan, sỏi mật, viêm đường mật… nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời, thì có thể dễ dẫn đến nhiều những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Ngay từ bây giờ, bạn hãy tập cho mình một thói quen sống tốt bằng cách vận động, luyện tập thể dục thường xuyên; đi khám bệnh định kỳ 6 tháng 1 lần; từ bỏ rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích; đặc biệt thiết lập một chế độ ăn uống khoa học, ăn nhiều rau, ít Cholesterol, uống nhiều nước, kết hợp với việc bổ sung đầy đủ các khoáng chất và Vitamin cần thiết hàng ngày để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và có một lá gan khỏe mạnh hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

hotlineHotline
chat facebookChat Facebook
chat facebookChat Facebook
chat zaloChat Zalo