Ngày nay, tình trạng thoái hóa ở khớp gối không còn là vấn đề xa lạ khi có đến 1/3 người Việt trên 40 tuổi mắc phải căn bệnh này. Mặc dù vậy, không phải ai cũng biết các giai đoạn thoái hóa khớp gối gồm những gì, có những điểm khác biệt nào trong việc nhận biết cũng như điều trị bệnh.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi TS.BS Tăng Hà Nam Anh, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP.HCM
Thoái hóa khớp gối xảy ra khi lớp sụn khớp bị bào mòn bởi nhiều nguyên nhân (lão hóa, chấn thương…) khiến các đầu xương tại đây cọ xát vào nhau, từ đó dẫn đến những biểu hiện đặc trưng như đau sưng và cứng khớp gối, mất dần khả năng vận động…
Về cơ bản, tình trạng trên không xảy ra tức thì mà sẽ phát triển dần dần theo thời gian. Dựa theo mức độ thương tổn, có thể chia các giai đoạn thoái hóa khớp gối thành 4 mức độ cụ thể với cách nhận biết, chẩn đoán cũng như mục tiêu điều trị riêng. (1)
Mục lục bài viết
Nhận biết các giai đoạn của thoái hóa khớp gối và hướng điều trị
Thoái hóa khớp gối độ 1
Ở giai đoạn này, lớp sụn khớp chỉ vừa bị bào mòn một phần nhỏ nên người bệnh sẽ không cảm thấy đau nhức, khó chịu dai dẳng ở đầu gối. Đồng thời, khe khớp tại đây cũng chưa có dấu hiệu thu hẹp nhưng gai xương đã bắt đầu hình thành. Sự phát triển của gai xương có thể gây đau khi bệnh gập và duỗi cẳng chân nhưng đó là câu chuyện của giai đoạn sau.
Vì không có các triệu chứng bên ngoài rõ rệt nên hầu hết trường hợp, bác sĩ sẽ không chỉ định điều trị cụ thể cho bệnh thoái hóa khớp gối vào giai đoạn này. Mặc dù vậy, nếu có nguy cơ thoái hóa khớp tiềm ẩn, người bệnh sẽ được khuyến khích tập thói quen rèn luyện thể chất đều đặn bằng các bài tập phù hợp nhằm thuyên giảm bất kỳ triệu chứng khó chịu nào có thể xảy ra, đồng thời làm chậm quá trình thoái hóa.
Thoái hóa khớp gối độ 2
Khi thoái hóa khớp gối phát triển đến giai đoạn 2, gai xương đã thành hình rõ ràng trên kết quả chụp X-quang nhưng khe khớp vẫn chưa hẹp đến mức khiến các đầu xương cọ xát vào nhau, đồng thời lượng dịch bao hoạt dịch vẫn còn đủ để khớp hoạt động. Mặc dù vậy, lúc này người bệnh bắt đầu có những triệu chứng đầu tiên như:
- Đau nhức đầu gối sau một ngày dài chạy hoặc đi bộ.
- Khớp gối có xu hướng cứng nếu bệnh nhân không hoạt động trong vài giờ.
- Cảm thấy đau và khó chịu ở những động tác như khuỵu gối xuống (quỳ) hoặc cúi người…
Giải pháp điều trị
Khớp gối bị thoái hóa độ 2 vẫn được đánh giá là giai đoạn nhẹ nên bệnh nhân cần chủ động sớm đến gặp bác sĩ ngay khi có các biểu hiện trên để được thăm khám và có biện pháp ngăn chặn bệnh tiến triển. Ở giai đoạn này, người bệnh chủ yếu được chữa trị theo hướng không dùng thuốc với những giải pháp như:
Duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng cách xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với tập thể dục thể thao đều đặn nhằm:
- Giảm bớt áp lực đè nặng lên khớp gối
- Hỗ trợ tăng cường sức mạnh cho các mô cơ quanh khớp gối, nhờ đó:
- Duy trì tính linh hoạt và ổn định của khớp
- Hạn chế nguy cơ tổn thương khớp gối thêm
- Hạn chế thực hiện các động tác có thể tăng thêm áp lực lên khớp gối như quỳ, ngồi xổm hoặc nhảy (bật) cao…
- Sử dụng nẹp đầu gối để cố định và bảo vệ khớp nếu cần thiết.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể dùng một số loại thuốc giảm đau không kê toa (OTC) như paracetamol, NSAIDs… để đẩy lui những triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời và không được dùng để điều trị lâu dài do thuốc có nguy cơ gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến gan, thận, dạ dày và tim mạch.
Thoái hóa khớp gối độ 3
Ngoài các triệu chứng đau và khó chịu ở đầu gối khi cúi người, quỳ hoặc vận động, người bệnh còn có biểu hiện cứng khớp vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi quá lâu nếu bệnh tiến đến giai đoạn 3.
Theo Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp của Kellgren và Lawrence, ở giai đoạn thoái hóa khớp gối độ 3, bác sĩ có thể tìm thấy dấu hiệu bào mòn, tổn thương rõ rệt của lớp sụn giữa các đầu xương trên phim chụp X-quang. Lúc này, không chỉ khe khớp thu hẹp đáng kể mà gai xương cũng phát triển nhiều hơn. Bên cạnh đó, mô mềm bao quanh khớp còn bị viêm, dẫn đến tình trạng viêm bao hoạt dịch với biểu hiện đầu gối sưng đau khó tả.
Giải pháp điều trị
Thuốc giảm đau OTC cũng có thể được áp dụng trong trường hợp này. Nếu thuốc OTC không đem lại hiệu quả như mong đợi, bác sĩ có thể cân nhắc kê toa một số loại thuốc có dược lực mạnh hơn, ví dụ như glucocorticoid (một dạng của corticosteroid) hay tramadol (một dạng của opioid – thuốc giảm đau gây nghiện).
Dù cả hai loại thuốc trên đều đem lại hiệu quả giảm đau, kháng viêm cao nhưng chúng không được khuyến khích sử dụng lâu dài do nguy cơ lệ thuộc vào thuốc và phát sinh một số tác dụng ngoài mong muốn.
Mặt khác, thường xuyên tập thể dục và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng vẫn là điều cần thiết trong quá trình điều trị thoái hóa đầu gối độ 3.
Thoái hóa khớp gối độ 4
So với các giai đoạn trên, gối bị thoái hóa ở độ 4 mang tính nghiêm trọng hơn hẳn. Lúc này, một hoạt động đơn giản như đi lại trong phạm vi nhỏ cũng khiến người bệnh cảm thấy rất đau và khó chịu. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có biểu hiện sưng viêm và cứng khớp. (2)
Nguyên nhân đứng sau những triệu chứng trên chủ yếu là do khe khớp hẹp đi nhiều, kèm theo tình trạng xơ xương dưới sụn. Thông qua kết quả chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ có thể dễ dàng nhận thấy ở giai đoạn thoái hóa khớp gối này:
- Lớp sụn gần như bị bào mòn hoàn toàn
- Gai xương hình thành nhiều, kích thước lớn
- Đầu xương biến dạng trong một số trường hợp nghiêm trọng
Ngoài ra, lượng dịch bôi trơn khớp cũng giảm đi đáng kể, khiến các đầu xương cọ xát với nhau ở mỗi cử động khớp gối, từ đó kéo theo các cơn đau khó tả. Bên cạnh đó, tình trạng này còn hạn chế khả năng vận động của đầu gối.
Giải pháp điều trị
Đối với thoái hóa khớp gối độ 4, bệnh nhân thường chỉ có một lựa chọn điều trị duy nhất là phẫu thuật. Các loại phẫu thuật phổ biến dành cho giai đoạn này chủ yếu là:
- Phẫu thuật đục xương chỉnh trục: thay đổi trọng tâm chịu lực của khớp gối, nhờ đó hỗ trợ giảm đau cũng như làm chậm quá trình thoái hóa.
- Phẫu thuật thay khớp gối: loại bỏ phần khớp hư tổn và thay thế bằng khớp nhân tạo.
- Phẫu thuật nội soi khớp gối: chữa lành thương tổn bên trong khớp gối theo cách ít xâm lấn nhất, từ đó hạn chế rủi ro phát sinh biến chứng trong hoặc sau phẫu thuật.
Một số phương pháp điều trị khác
Bên cạnh những phương pháp điều trị đề cập bên trên, đôi khi bác sĩ cũng có thể đề xuất một số hướng điều trị khác cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối (3), chẳng hạn như:
- Giảm đau bằng liệu pháp siêu âm, hồng ngoại…
- Áp dụng các liệu pháp thay thế (chườm nóng, chườm lạnh, cải thiện giấc ngủ, châm cứu…) nhằm hỗ trợ việc điều trị, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày.
- Tiêm nội khớp (huyết tương giàu tiểu cầu, tế bào gốc, axit hyaluronic…) với mục đích đẩy nhanh quá trình làm lành thương tổn ở khớp giúp giảm đau, đồng thời cải thiện khả năng hoạt động và tính linh hoạt của khớp gối.
- Thực hiện một số bài tập cho người bị thoái hóa khớp gối.
- Ngoài ra, việc bổ sung các thực phẩm tốt cho bệnh nhân bị thoái hóa khớp cũng giúp cải thiện và rút ngắn thời gian điều trị,