Mục lục bài viết
SKĐS – Cholesterol là một loại chất béo thiết yếu trong cơ thể. Tuy nhiên, cholesterol cao lại là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh lý về tim mạch, động mạch vành, thậm chí đột quỵ.
1. Cholesterol là gì?
Cholesterol là một chất béo có trong máu và tất cả các tế bào của cơ thể, nó được sử dụng để tạo nên màng tế bào, một số nội tiết tố (hormones) và phục vụ nhiều chức năng quan trọng khác của cơ thể. Nếu có quá nhiều cholesterol trong máu thì sẽ là nguy cơ lớn đối với bệnh mạch vành (dẫn đến cơn đau tim cấp) và đột quỵ. Tăng cholesterol máu (Hypercholesterolemia) là một thuật ngữ y học về nồng độ của cholesterol máu ở mức cao.
Cholesterol được hình thành từ 2 nguồn là từ trong cơ thể tổng hợp hoặc từ thức ăn. Khoảng 75% cholesterol trong máu được sản xuất ở gan và các cơ quan khác trong cơ thể, phần còn lại là từ thức ăn. Các loại thực phẩm có chứa cholesterol đều là các loại thức ăn có nguồn gốc từ động vật như thịt, sữa, lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật.
2. Các loại cholesterol
– LDL cholesterol là gì?
Cholesterol LDL (cholesterol xấu) có vai trò vận chuyển chất béo và một số protein từ gan theo máu đến các cơ quan trong cơ thể. Chất này được xem là kẻ thù khi hàm lượng tăng cao quá mức cho phép. Khi chỉ số LDL cholesterol vượt ngưỡng an toàn sẽ gây ra tình trạng tích tục mỡ và lâu dẫn làm xơ vữa động mạch.
Nếu tình trạng kéo dài, động mạch bị thu hẹp gây tắc nghẽn mạch máu mà nặng hơn là vỡ mạch. Chính vì vậy mà LDL cholesterol được xếp vào nguyên nhân gây ra các bệnh lý nguy hiểm, bao gồm nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não dẫn đến tử vong.
– HDL cholesterol là gì?
HDL cholesterol (cholesterol tốt) cần thiết để mang các lipid steroid từ máu trở về gan để xử lý. Cholesterol HDL chiếm khoảng từ 20 – 30% hàm lượng trong máu, đưa các mảng xơ vữa ra khỏi mạch để máu lưu thông dễ dàng.
Do các thói quen xấu của con người trong xã hội ngày nay như uống rượu, thuốc lá, ăn uống thiếu khoa học, thừa chất béo, lười vận động,… khiến cho hàm lượng cholesterol HDL mất đi nhiều. Vì vậy mà cholesterol LDL cholesterol càng tăng cao trong máu và gây ra bệnh lý nguy hiểm.
– Triglycerides
Là một loại chất béo khác. Tăng Triglycerides có thể do thừa cân hoặc béo phì, ít vận động, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia quá mức, một chế độ ăn giàu tinh bột (bằng hoặc hơn 60% calories của khẩu phần ăn). Người có Triglycerides cao thì thường có nồng độ cholesterol toàn phần cao, trong đó có nồng độ LDL (xấu) cholesterol cao và HDL (tốt) cholesterol thấp. Nếu Triglycerides cao sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
3. Nguyên nhân cholesterol trong máu cao?
– Yếu tố di truyền: Điều này được giải thích là do các gen điều khiển cơ thể xử lý cholesterol và chất béo được truyền từ bố mẹ sang con.
– Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn chất béo bão hòa có trong sản phẩm làm từ động vật và chất béo trans (acid béo xấu) có trong một số bánh quy ngọt, bánh quy giòn và bắp rang bằng lò vi sóng… có thể làm tăng cholesterol. Thực phẩm như thịt đỏ và sản phẩm từ sữa nguyên béo, cũng làm tăng cholesterol.
– Béo phì: Chỉ số cơ thể (BMI) ≥ 30 có nguy cơ tăng cholesterol.
– Ít vận động: Tập thể dục làm tăng cholesterol HDL trong cơ thể, đồng thời giảm khối lượng thành phần tạo nên cholesterol LDL làm giảm nguy hại.
– Hút thuốc lá: Gây tổn thương thành mạch máu, làm mỡ dễ tích tụ hơn. Hút thuốc lá cũng có thể làm giảm cholesterol HDL.
– Tuổi tác: Khi lão hóa cơ thể sẽ có những thay đổi hóa học, từ đó làm tăng nguy cơ cholesterol cao. Ví dụ như khi lớn tuổi, khả năng loại bỏ cholesterol LDL của gan sẽ giảm.
– Đái tháo đường: Tăng đường huyết góp phần làm tăng cholesterol xấu và làm giảm cholesterol HDL. Tăng đường huyết còn làm tổn thương niêm mạc động mạch.
4. Ai có nguy cơ cholesterol cao?
Những người có nguy cơ tăng cholesterol máu bao gồm:
– Tiền sử gia đình có cholesterol máu cao.
– Chế độ ăn uống chứa nhiều chất béo bão hòa.
– Thừa cân, béo phì.
– Mắc bệnh đái tháo đường, bệnh thận, suy giáp.
5. Triệu chứng cholesterol cao
Thừa cholesterol trong máu không gây ra các triệu chứng. Nhưng khi mức cholesterol trong máu cao bất thường, các biến chứng có thể xuất hiện:
– Đau ngực có thể là dấu hiệu của cholesterol máu cao.
– Đau bắp chân.
– Rối loạn cương dương.
– Rối loạn thần kinh.
– Khó thở.
– U vàng (Xanthomas).
6. Biến chứng cholesterol cao?
Nếu không được điều trị, tăng cholesterol có thể gây hình thành mảng bám trong động mạch và dẫn đến chứng xơ vữa động mạch. Theo thời gian, sự tích tụ cholesterol (mảng bám) có thể làm hẹp các động mạch và do đó máu đi qua ít hơn. Xơ vữa động mạch là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng:
– Đột quỵ.
– Nhồi máu cơ tim.
– Đau thắt ngực (đau ngực).
– Bệnh mạch máu ngoại biên.
– Tăng huyết áp.
– Bệnh thận mạn tính nếu mảng bám tích tụ trong các động mạch thận.
7. Điều trị cholesterol cao như thế nào?
Thuốc Tây
4 loại thuốc được sử dụng phổ biến để giảm mức cholesterol trong máu gồm:
– Statins: Chủ yếu làm giảm LDL-cholesterol, giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Nên bắt đầu từ liều thấp. Liều lượng thuốc có thể tăng gấp đôi nếu không đạt hiệu quả sau 4 – 6 tuần điều trị.
– Niacin: Giúp làm giảm LDL-cholesterol, triglyceride và tăng HDL-cholesterol.
– Nhựa gắn acid mật: Giảm LDL-cholesterol.
– Các dẫn xuất của acid fibric: Làm giảm triglyceride trong máu.
Thay đổi lối sống
Nguyên nhân tăng cholesterol máu là do chế độ ăn không hợp lý, mắc một số bệnh về rối loạn chuyển hóa hoặc do di truyền. Vì vậy, để dự phòng và điều trị tăng mỡ máu thì chế độ ăn uống đóng vai trò quyết định. Cụ thể là:
– Chế độ ăn uống: Tránh thức ăn chứa nhiều chất béo và cholesterol như bơ, thịt lợn mỡ xông khói, nên thay mỡ động vật bằng dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu oliu.
Hạn chế bánh quy, kẹo dẻo, đồ ăn vặt, hamburger, bánh kem,…
Hạn chế ăn các loại thịt, cá xuống còn 150 – 200g/ngày, không ăn quá 3 quả trứng/tuần và nên ăn cách ngày.
Không ăn thịt mỡ, nội tạng động vật, da của các loại gia cầm, thay bằng đạm thực vật như đậu tương.
Uống sữa đã tách bơ, hạn chế ăn kem, phomai,…
Hạn chế uống bia rượu, không hút thuốc lá vì các hoạt chất trong đó thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch và làm tăng mỡ máu.
Tăng cường ăn rau, các loại trái cây như cam, bưởi, táo, nho,…
– Tập luyện thể dục thể thao: Rèn sức bền với các bài tập đi bộ nhanh, chạy, đạp xe,… để giảm nguy cơ rối loạn mỡ máu, bệnh mạch vành, giảm cân, giảm huyết áp, giảm stress, củng cố xương.
– Ngoài ra, bệnh nhân mỡ máu cao nên đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra các chỉ số mỡ máu và có biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả. Bệnh nhân chú ý không nên tự ý mua thuốc khi chưa nhận được tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Sử dụng máy lọc
Đối với trường hợp tăng cholesterol máu gia đình (FH): Điều trị bằng phương pháp Apheresis Lipoprotein. Phương pháp này sử dụng máy lọc để loại bỏ cholesterol LDL ra khỏi máu.
8. Phòng ngừa cholesterol cao
– Hạn chế ăn thực phẩm có chứa cholesterol cao như lòng đỏ trứng, thịt đỏ, sữa, gan, bơ, nội tạng động vật,…
– Tăng cường bổ sung các loại thịt trắng, các loại cá giàu chất béo omega 3 và omega 6 (những chất này có tác dụng cân bằng hàm lượng cholesterol trong máu).
– Hạn chế sử dụng thực phẩm giàu chất béo bão hòa như thịt mỡ, phomai, bơ,…
– Ăn nhiều rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây,… để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể (đặc biệt là vitamin và khoáng chất).
– Tránh xa chất kích thích như thuốc lá, rượu bia,…
– Tập thể dục mỗi ngày.
– Duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
– Những bệnh nhân bị đái tháo đường, tăng huyết áp,… cần kiểm soát bệnh chặt chẽ.
– Thường xuyên theo dõi các chỉ số đường huyết, chỉ số huyết áp, chỉ số cholesterol.